1.Đầu tiên chúng ta phải hiểu đái tháo đường thai kỳ là gì :
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đái tháo đường thai kỳ (hay tiểu đường thai kỳ ) “là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai”. Tình trạng này thường không có triệu chứng nên khó phát hiện và sẽ biến mất sau 6 tuần kể từ khi sinh
2. Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?
Ảnh hưởng đối với người mẹ
Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non, tăng huyết áp trong thai kỳ, đa ối, nhiễm trùng tiết niệu, viêm đài bể thận, mổ lấy thai. Về lâu dài, các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch. Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường.
Ảnh hưởng đối với thai nhi
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh, những thay đổi này thường xảy ra vào tuần thứ 6 đến tuần thứ 7 của thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức
Sau sinh :
Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh
Bệnh lý đường hô hấp: Hội chứng nguy kịch hô hấp.
Tử vong ngay sau sinh
Vàng da sơ sinh
Các ảnh hưởng lâu dài khác về trí tuệ,…
Hình minh hoạ
3. Phát hiện tiểu đường thai kỳ?
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng cách kiểm tra lượng đường trong máu của thai phụ. Thông thường thai phụ sẽ được tầm soát thường quy bằng nghiệm pháp dung nạp glucose trong khoảng thời gian từ tuần thứ 24-28 của tuổi thai.
-
Xét nghiệm dung nạp glucose: Bạn được yêu cầu nhịn ăn (không ăn trong 8 giờ) trước khi thực hiện xét nghiệm. Tiếp theo, bác sĩ lấy máu của bạn trước và sau khi bạn uống một loại chất lỏng có chứa 75 gam đường. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết bạn có bị đái tháo đường thai kỳ hay không
4. Phương pháp điều trị
Nếu được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, bạn cần được kiểm soát lượng đường trong máu của mình và duy trì ở mức an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi. Để làm được điều này, bạn cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như:
-Tuân thủ chế độ ăn có lợi cho người bệnh đái tháo đường
-Tập thể dục nhiều hơn
-Kiểm tra lượng đường trong máu
Bạn sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, trước và sau bữa ăn 1 – 2 giờ. Việc làm này nhằm đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, xem cơ thể bạn có đáp ứng tốt với phác đồ của bác sĩ hay không.
-Tiêm insulin
Nếu lượng đường trong máu của bạn vẫn cao dù bạn đã thay đổi lối sống, chế độ ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn sẽ được kê toa thuốc tiểu đường nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi. Tiêm insulin cũng là liệu pháp được cân nhắc sử dụng.
5.Đái tháo đường thai kỳ có đẻ thường được không ?
Đây là câu hỏi mà mẹ bầu cũng như người nhà rất hay thắc mắc
Câu trả lời dành cho câu hỏi đái tháo đường thai kỳ có sinh thường được không là có thể . Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể sinh thường. Việc sinh thường hay sinh mổ là do bác sĩ quyết định khi sắp đến thời điểm sinh đẻ và tùy thuộc vào từng bà bầu. Một số yếu tố có liên quan tới quyết định này ví dụ như kích thước thai nhi, nồng độ glucose máu của thai phụ, thể trạng sức khỏe của thai phụ…
6. Đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh có tự khỏi không?
Hầu hết lượng đường trong máu của phụ nữ sẽ giảm xuống sau khi họ sinh con và lượng hormone trở lại bình thường. Tuy nhiên, khoảng 50% phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường trong thời gian mang thai sẽ phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai. Chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này. Bác sĩ sẽ đề nghị bạn xét nghiệm đường huyết từ 6 – 12 tuần sau khi sinh để theo dõi khả năng phát triển bệnh đái tháo đường
7. Phòng tránh đái tháo đường thai kỳ
Không có biện pháp phòng ngừa tình trạng đái tháo đường khi mang thai tuyệt đối. Nhưng nếu bạn duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước/trong khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể. Ngoài ra, trong trường hợp bạn từng bị bệnh từ trước, việc tuân thủ những thói quen lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trong những lần mang thai kế tiếp hoặc phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Đây là những biện pháp giúp phòng tránh hiệu quả:
-
Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe:
-
Vận động thường xuyên:
-
Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai
-
Nguồn: Báo sức khỏe và đời sống