Ngày đăng tin: 04/05/2022 7:55:02 SA
CHA MẸ CẦN ỨNG XỬ THẾ NÀO KHI CON BƯỚC VÀO TUỔI DẬY THÌ ĐỂ TRÁNH NHỮNG HỆ LUỴ ĐÁNG TIẾC?
Ở tuổi dậy thì, trẻ nam và trẻ nữ đều trải qua nhiều thay đổi lớn cả về thể chất lẫn tâm lý. Vì vậy, trẻ cần sự trợ giúp rất lớn từ cha mẹ để vượt qua giai đoạn trưởng thành đầy khó khăn này.

Ngày nay, tuổi dậy thì của trẻ nam và trẻ nữ đều sớm hơn. Ở Việt Nam, tuổi dậy thì của trẻ nam thường khoảng từ 14 thay vì 16 tuổi như trước đây. Các bé gái thường dậy thì từ 9 -14 tuổi.

Để cùng con vượt qua giai đoạn này, các bậc cha mẹ cần tự tìm hiểu đầy đủ những kiến thức, thông tin về tuổi dậy thì và đặc biệt chú ý tìm hiểu nhiều hơn về con của mình. Dưới đây là những thông tin về sự khác biệt của trẻ nam và trẻ nữ tuổi dậy thì do ThS.BS Trần Thu Nguyệt – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cung cấp. Việc nhận thức được sự khác biệt  tuổi dậy thì ở nam và nữ sẽ giúp cha mẹ có cách ứng xử phù hợp với con, tránh những ảnh hưởng tâm lý không tốt cho trẻ trong giai đoạn nhạy cảm này. 

1. Đặc điểm chung ở cả hai giới tuổi dậy thì

1.1 Mọc mụn trứng cá

Cả trẻ nam và trẻ nữ tuổi dậy thì đều xuất hiện mụn nội tiết do sự thay đổi hormon sinh dục. Hormon sẽ kích thích tuyến nhờn hoạt động mạnh, gây bít tắc lỗ chân lông dẫn tới mụn. 

Thông thường, nếu qua hết giai đoạn dậy thì kết hợp cùng chế độ chăm sóc da cẩn thận thì mụn sẽ hết. Nếu mụn ở mức độ nặng hơn sẽ trở thành trứng cá bọc có mủ thì nên đến tìm bác sĩ da liễu để được thăm khám và điều trị tránh để lại sẹo lõm, rỗ vĩnh viễn.

1.2 Mùi cơ thể

Tuổi dậy thì cũng là khi tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, nhất là ở những vùng kín như: nách, cơ quan sinh dục. Vì vậy các bạn nam và nữ nhớ vệ sinh cơ thể sạch sẽ để ngừa mùi hôi, nấm, nhiễm khuẩn...

1.3 Tâm lý thất thường 

Bước vào giai đoạn dậy thì, trẻ nam và nữ đều trưởng thành hơn trong suy nghĩ, muốn khẳng định mình, thể hiện sự trưởng thành và cái tôi cá nhân cùng với những cảm xúc đa dạng hay thay đổi vì vậy trẻ hay muốn thể hiện và đôi khi tranh luận với cha mẹ.

Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động. Trẻ muốn được tham gia ý kiến và đưa ra các quyết định trong các vấn đề của mình. Tính độc lập của trẻ cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn tuổi, ví dụ ở độ tuổi từ 10 đến 13 tuổi trẻ bắt đầu có xu hướng tách khỏi cha mẹ, ít tham gia các hoạt động cùng cha mẹ, miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của cha mẹ.

Ở giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi, những mâu thuẫn của trẻ với cha mẹ ngày càng gay gắt và lên đến đỉnh điểm do ngày càng ít quan tâm đến gia đình và dành nhiều thời gian với bạn bè hơn. Còn từ 17 đến 19 tuổi, lúc này trẻ có ý thức trở lại những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.

Cha mẹ cần đối xử với con thế nào khi bước vào tuổi dậy thì? - Ảnh 4.

Cả trẻ nam và trẻ nữ tuổi dậy thì đều xuất hiện mụn

2. Sự khác biệt giữa trẻ nam và trẻ nữ tuổi dậy thì

Mặc dù có những điểm chung trên nhưng giai đoạn dậy thì ở bé trai và bé gái vẫn có những điểm riêng biệt:

2.1 Thay đổi của trẻ nữ tuổi dậy thì và cách ứng xử phù hợp của phụ huynh 

Đối với trẻ nữ, giai đoạn dậy thì thường bắt đầu sớm hơn so với các trẻ nam. Những thay đổi về thể chất, sinh lý cơ thể, tâm lý sẽ diễn ra rất nhanh trong giai đoạn này.

Thay đổi rõ rệt về cơ thể: cơ thể phát triển nhanh cả về chiều cao và trọng lượng, dần dần mang hình dáng của phụ nữ. Các đặc tính sinh dục phụ bắt đầu xuất hiện: ngực phát triển và lớn dần lên, mọc lông ở vùng nách, vùng mu, vùng bẹn. Cơ quan sinh dục bên ngoài trở nên rõ rệt hơn, môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo….phát triển nhanh chóng. Hiện tượng tăng tiết mồ hôi, nổi mụn trứng cá cũng xuất hiện.

Biểu hiện dậy thì đặc trưng nhất ở trẻ nữ là có chu kỳ kinh nguyệt. Các bé gái cần được cho biết trước về điều này. Nếu không được biết trước, nhiều bé gái sẽ cảm thấy sợ hãi. Chu kỳ kinh nguyệt trong những tháng đầu có thể không đều (có thể sau lần kinh đầu, 1 vài tháng sau lại không thấy có kinh và sau đó lại thấy kinh nguyệt trở lại), thường sau 1 - 2 năm sẽ đều đặn hơn.

Cha mẹ cần đối xử với con thế nào khi bước vào tuổi dậy thì? - Ảnh 5.

Biểu hiện dậy thì đặc trưng nhất ở trẻ nữ là có chu kỳ kinh nguyệt

Phụ huynh cần hướng dẫn cho trẻ nữ cách vệ sinh khi tới kỳ kinh như: sử dụng băng vệ sinh, phương pháp vệ sinh đúng cách và sử dụng các sản phẩm vệ sinh kinh nguyệt đúng...

Khi một trẻ nữ bước vào ngưỡng cửa dậy thì sẽ trải qua những thay đổi về tâm lý. Bé gái sẽ ngại ngùng về những thay đổi trong hình dạng cơ thể.

Tuổi dậy thì là một cột mốc vô cùng quan trọng trong cuộc đời của trẻ nữ, nhưng rất nhiều bậc cha mẹ vẫn thường lo sợ về những trách nhiệm lớn lao hơn khi con gái họ bắt đầu trở thành một người phụ nữ. Hãy đồng hành, chia sẻ, hướng dẫn những kiến thức cần thiết, cùng con gái như một người bạn, một người chị, một người mẹ, đó là những điều người mẹ nên làm.

Bên cạnh đó, hãy cùng con bạn xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thích hợp với các bé gái tuổi dậy thì, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho sự phát triển vượt bậc ở giai đoạn này, và cũng cần thiết bổ sung Vitamin B, sắt, canxi… Hướng dẫn và cùng với bé gái thiết lập một chế độ sinh hoạt, tập luyện khỏe mạnh cũng là điều nên làm.

Cha mẹ cần đối xử với con thế nào khi bước vào tuổi dậy thì? - Ảnh 6.

Người cha hãy giải thích những thay đổi về tuổi dậy thì cho con trai của mình

2. 2 Thay đổi của trẻ nam tuổi dậy thì và cách ứng xử phù hợp của phụ huynh

Các trẻ nam thường dậy thì muộn hơn một chút so với các bé gái. Khoảng 12 tuổi, bé trai sẽ vỡ giọng, chất giọng "ồm ồm", ria mép phát triển. Chiều cao tăng lên đáng kể, vai nở ra, bụng và mông thon lại, cơ bắp to lên nhanh chóng. Lông mu thường bắt đầu mọc trước tiên. Ban đầu, quanh cơ quan sinh dục xuất hiện vài ba sợi, sau nhiều them.

Nổi cục yết hầu: Cục yết hầu là sụn tuyến giáp. Hormon nam ở tuổi dậy thì khiến bộ phận này thay đổi, do vậy, bạn thấy cục yết hầu nhô to ra.

Cơ quan sinh dục phát triển: Lúc dậy thì là cơ quan sinh dục phát triển nhiều nhất. Bao tinh hoàn (bìu) to ra, sậm màu hơn, hai tinh hoàn lớn lên. Dương vật dài và lớn, có độ cứng.

Vì nhiều lý do, con trai thường bối rối về tuổi dậy thì hơn so với con gái. Đầu tiên là về những thay đổi mặt ngoại hình, trẻ nam thường thay đổi nhiều hơn với trẻ gái nhưng lại không có sự kiện lớn như kinh nguyệt để đánh dấu rõ ràng sự thay đổi.

Các trẻ nam thường không biết giải thích thế nào về "cậu bé" đang lớn dần lên cùng với những sợi lông phát triển "bất thường" đâu đó ở vùng nách, vùng bụng, vùng mu. Những 'giấc mơ ướt" đánh dấu sự lớn lên và trưởng thành cũng khiến các cậu bé lo ngại, không hiểu rằng đó có phải là bình thường hay không. Tâm lý ngại hỏi han, nói chuyện đã khiến các cậu bé trai che giấu, tìm hiểu những thông tin đến một nửa là sai lệch từ bạn bè, các anh lớn hơn và từ trên mạng. Những sai lầm đáng tiếc này có thể trở thành nỗi sợ hãi không cần thiết trong suốt cuộc đời sau này của người đàn ông.

Thường thì các bà mẹ hay giải thích quá trình dậy thì cho con gái nhưng các ông bố hiếm khi làm được điều này với con trai. Do đó, người cha hãy thể hiện vai trò của mình nhiều hơn, bằng cách giải thích những thay đổi này cho con trai của mình. Nếu cảm thấy vụng về để làm như vậy, người cha có thể đưa cho cậu bé một cuốn sách thực tế để giải thích vấn đề này, hoặc đưa trẻ đến gặp các chuyên gia tư vấn sức khỏe vị thành niên.

Cảm giác không được đối xử như một đứa trẻ nhưng cũng đồng thời không được chấp nhận là người lớn có thể dẫn đến một sự thất vọng ở các bé trai khi muốn tìm kiếm giải thoát cho sự tức giận của họ theo những cách bạo lực, thậm chí tiêu cực.

Điều cha mẹ cần làm trong giai đoạn này là kiên nhẫn, lắng nghe và cùng với trẻ thảo luận, tìm cách giải quyết các vấn đề từng bước một. Hướng dẫn và cùng với trẻ xây dựng một chế độ tập luyện thể thao lành mạnh trong giai đoạn này có hiệu quả tuyệt vời, vừa giúp trẻ vượt qua những suy nghĩ, hành động bạo lực, vừa giúp trẻ phát triển về thể chất tốt hơn.

Theo Báo Sức khoẻ đời sống

 
Top