Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay nước ta ghi nhận hơn 314.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 115 trường hợp tử vong.
Trong những tháng gần đây, số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cơ sở tuyến cuối điều trị các bệnh truyền nhiễm, hiện đang điều trị cho hơn 100 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 - 20 bệnh nhân nặng nhập viện điều trị.
Đáng chú ý có nhiều trường hợp bệnh nhân tự điều trị tại nhà, đến khi vào viện đã biến chứng nặng, rơi vào tình trạng sốc không thể cứu chữa.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Ở Khoa Nội 1, Bệnh viện Bưu điện, số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang nằm kín giường bệnh. Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội 1 tiếp nhận 8 - 10 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhập viện, cao điểm có ngày lên tới 14 bệnh nhân.
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Khoa Nội 1, Bệnh viện Bưu điện cho biết: "Lượng bệnh nhân sốt xuất huyết năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là số bệnh nhân nặng cũng tăng".
Điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ, sinh năm 1985, trú tại Hà Nội, vào viện ngày thứ 3 của bệnh trong tình trạng mệt mỏi, li bì, ra máu âm đạo, chảy máu nhiều. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy tiểu cầu rất thấp (dưới 35 G/L).
Để cấp cứu cho bệnh nhân này, các bác sĩ đã liên hệ sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để xin tiểu cầu truyền cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân có hiện tượng thoát dịch, dấu hiệu cảnh báo của sốc sốt xuất huyết. Ngay lập tức, bệnh nhân được cho truyền dung dịch cao phân tử. Trải qua 7 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, đến nay, bệnh nhân đã ổn định hơn và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện.
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm: "Khó khăn lớn nhất trong điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết nặng là tiểu cầu. Bệnh viện sẽ phải xin nguồn tiểu cầu bên ngoài để điều trị cho bệnh nhân. Theo phác đồ điều trị, khi bệnh nhân có tiểu cầu dưới 5 G/L là phải truyền tiểu cầu dù cho bệnh nhân không có tình trạng xuất huyết. Tuy nhiên, với bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, giảm tiểu cầu đang trong giai đoạn nguy kịch và phải chuyển viện thì nguy cơ tử vong là rất cao".
Một trường hợp xuất huyết dưới da nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Khoa Nội 1, Bệnh viện Bưu điện kín giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.
Theo BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hằng, các bệnh nhân hiện đang điều trị tại khoa đều là những trường hợp nặng, phần lớn đều tự điều trị tại nhà. Khi vào viện, các bác sĩ đã phải theo dõi, điều trị tích cực mới giúp các bệnh nhân cải thiện tình trạng.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến nguy hiểm tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước. BS. Phạm Văn Phúc - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tư vấn người bệnh cần chú ý các dấu hiệu như mệt lả, nôn, tiêu chảy, đi ngoài phân đen, chảy máu chân răng, chảy máu mũi… thì cần nhập viện ngay.
Để đảm bảo sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế thăm khám khi có các dấu hiệu sốt cao, chảy máu chân răng... tuyệt đối không tự điều trị bệnh tại nhà dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
Theo Báo Sức Khỏe và Đời Sống