Ngày đăng tin: 20/02/2024 2:06:41 CH
PHÂN BIỆT BỆNH VIÊM XOANG VỚI CẢM LẠNH
Viêm xoang có triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Bởi vậy, nhiều người bệnh do điều trị chậm trễ hoặc không điều trị đúng cách đã phải sống chung với viêm xoang trong nhiều năm gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày.

Nếu phát hiện sớm, điều trị tích cực, viêm xoang hoàn toàn có thể chữa trị hiệu quả. Vì vậy, việc phân biệt nhận biết sớm là vô cùng quan trọng.

Viêm xoang là một trong những bệnh nhiễm trùng hô hấp phổ biến, gây không ít triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Nếu không điều trị tốt, viêm xoang sẽ tiến triển thành mạn tính gây nhiễm trùng và gây nhiều biến chứng tới sức khỏe.

Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang

Có nhiều nguyên nhân trong đó hay gặp là do virus và vi khuẩn là một trong những nguyên nhân gây ra viêm xoang. Virus làm sung huyết các mô mũi, chặn bít các lỗ thông thường dẫn lưu xoang gây nhiễm trùng xoang. 

Vi khuẩn cũng là nguyên nhân dễ gây bệnh viêm xoang, nhất là nhiễm phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae hoặc vi khuẩn Haemophilusenzae. Đây là những vi khuẩn thường khu trú trong các khoang mũi họng.

Viêm xoang và cảm lạnh có nhiều biểu hiện giống nhau.

Người có cơ địa dị ứng mẫn cảm với phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc, nước hoa… dễ viêm xoang do dị ứng và thường bị nặng hơn.

Nguyên nhân hay gặp nữa là do polyp, đây là u nhỏ lành tính hình thành trong mô mũi hoặc xoang, khiến các hốc xoang tắc nghẽn, ngăn dịch mũi chảy ra và gây nhiễm trùng xoang. U nhỏ này cũng có thể hạn chế đường dẫn khí, gây đau đầu, giảm độ nhạy của khứu giác. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, có thể phải phẫu thuật.

Nhiễm nấm cũng có thể gây viêm xoang đơn cử như nấm Aspergillus. Ngoài ra, lạm dụng thuốc xịt mũi không theo đơn bác sĩ có thể làm tắc nghẽn các mạch máu trong mũi có thể dẫn đến tình trạng viêm xoang.

Phân biệt viêm xoang với cảm lạnh

Viêm xoang có các biểu hiện như ngạt mũi, chảy nước mũi… nên dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp khác, đặc biệt là cảm lạnh. Bởi các biểu hiện khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn gây khó khăn trong điều trị. Ngoài ra, từ bệnh cảm lạnh kéo dài, không được điều trị tốt có thể bị viêm xoang kết hợp.

Điểm khác nhau đầu tiên để phân biệt viêm xoang với cảm lạnh là biểu hiện của viêm xoang thường kéo dài hơn so với cảm lạnh.

Nếu như bình thường, triệu chứng cảm lạnh thường bắt đầu giảm, sức khỏe hồi phục dần sau 3 - 5 ngày bệnh bùng phát. Trong khi đó, viêm xoang thường kéo dài hơn, triệu chứng có thể xảy ra liên tục 10 ngày hoặc lâu hơn.

Ngoài ra, những triệu chứng viêm xoang có thể dễ nhận thấy bao gồm: 

Ngạt mũi; 

Dịch mũi nhầy; 

Có màu xanh đặc biệt; 

Sưng ở các mô bên trong mũi; 

Hơi thở có mùi khó chịu; 

Các xoang bị sưng…

Các triệu chứng của bệnh cảm lạnh gồm: 

Nghẹt mũi, sổ mũi; 

Đau nhức cơ thể, đau đầu; 

Mệt mỏi; 

Sốt nhẹ.

Hình ảnh viêm xoang.

Điều trị viêm xoang cần lưu ý gì?

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc điều trị cho phù hợp. Thuốc điều trị viêm xoang bao gồm thuốc giảm đau và kháng sinh. Đối với thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen) giúp giảm các triệu chứng khó chịu do xoang gây ra như đau đầu, áp lực ở má, trán. Nếu các triệu chứng đau đầu, ho, nghẹt mũi… kéo dài nhiều ngày có thể được chỉ định dùng kháng sinh.

Nếu các biện pháp khắc phục trên không đem đến hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định liệu viêm xoang có đến từ nguyên nhân dị ứng.

Phẫu thuật có thể được tiến hành nếu tất cả các giải pháp trên không phát huy hiệu quả. Thủ thuật phẫu thuật có thể làm sạch xoang, loại bỏ polyp hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch.

Phòng ngừa viêm xoang

Đối với người lớn cần chú ý đến việc phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, giữ ấm cơ thể. Tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm giúp hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp. Chú ý đến các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa…

Đối với trẻ em cần vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách, đúng liều lượng bằng dung dịch nước muối (dạng xịt hoặc nhỏ). Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô. Tránh tối đa việc trẻ hít phải khói thuốc hay các tác nhân gây dị ứng cho trẻ. Hạn chế cho trẻ đi bơi/ lặn quá lâu ở các hồ bơi chứa clo để không gây kích ứng mũi và xoang của trẻ.

Nên tiêm vaccine ngừa cúm và các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế cầu…), nhất là đối tượng trẻ em. Không nên tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Khi bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài... cần đi khám và điều trị càng sớm càng tốt tránh hệ lụy tới sức khỏe.

Báo Sức Khỏe & Đời Sống

 
Top