Ngày đăng tin: 19/12/2023 2:02:44 CH
Cảnh giác với bệnh lây truyền qua thực phẩm không an toàn dịp cuối năm
Các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là qua các thực phẩm tái, thực phẩm sống hiện nay hay gặp ở người thường do các nguyên nhân như: Bệnh liên cầu lợn, bệnh sán não, bệnh liên quan ký sinh trùng… Dịp cuối năm, các bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca bệnh này.

Vừa qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất hiện ban hoại tử tăng dần vùng đầu chi, mũi mặt. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do liên cầu. Bệnh nhân đã thoát được cơn nguy kịch. Tuy nhiên các đầu chi ngón tay, ngón chân đã bị hoại tử.

"Chúng tôi đã can thiệp cho bệnh nhân hơn 3 tiếng với tình trạng hiện tại thì tương đối tốt, bệnh nhân ko phải thở máy nữa", bác sĩ Phạm Văn Tỉnh, Khoa Ngoại chấn thương, chỉnh hình và Thần kinh cột sống, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết diễn biến sức khỏe của bệnh nhân. Bác sĩ Tỉnh cũng cảnh báo thêm những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ hoại tử trước thường sẽ có nguy cơ hoại tử lan thì cần phải đặc biệt phòng tránh những cái nguy cơ hoại tử.

Nói về nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân này, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: "Những bệnh nhân này thường tiếp xúc với sản phẩm chế biến từ lợn chưa được nấu chín. Đối với bệnh nhân này thì sử dụng dồi lợn, tuy nhiên chúng ta cũng chưa xác nhận được dồi lợn ấy đã chín hay chưa, bởi vì liên cầu lợn thường sống trong các thức ăn được chế biến từ lợn mà chưa được nấu chín".

Mặc dù ngành Y tế đã cảnh báo, nhưng tình trạng ăn tiết canh lợn vẫn đang diễn ra phổ biến. Người chế biến, người bán hàng và cả chính bản thân thực khách cũng coi thường tính mạng khi cho rằng: liên cầu khuẩn chỉ xuất hiện ở lợn bệnh tật, còn lợn khỏe thì không lo nhiễm khuẩn.

 

Lên cơn co giật không rõ nguyên nhân, nhưng bệnh nhân Nghinh Văn Sằn vẫn vô tư ăn tiết canh được chế biến từ lợn nuôi trong nhà. Chỉ khi lên cơn co giật cấp, liên tục, được chuyển tuyến lên bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ông Nghinh Văn Sằn (Huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) mới biết mình bị sán não. "Cũng lâu lâu mới ăn, không ăn đều đâu, tiết canh lợn mình tự làm, cũng ngạc nhiên thật đấy, vì không biết nên mới ăn", ông Ngữ cho hay.
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ vẫn thường xuyên tiếp nhận những trường hợp sán trên não tương tự. Nhiều bệnh nhân còn phát hiện sán cả ở não, cơ và đáy mắt, gây nhức mắt, giảm thị lực. Đây đều là những người có sở thích ăn các đồ tái, đồ sống như thịt sống, nem chạo, nem thính, tiết canh.

Tiến sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: "Hầu hết những bệnh nhân đến viện chúng tôi điều trị về sán não đều ở giai đoạn chuẩn đoán tương đối muộn, là bệnh nhân đã bị xuất hiện tổn thương trên não và đã co giật rồi. Nếu như ngay từ đầu bệnh nhân thấy có những cục nổi dưới da mà đến viện khám ngay thì có thể cái giai đoạn đó ấu trùng nó chưa thể di chuyển qua hệ bạch huyết lên não được. Nếu chỉ tổn thương trên cơ, được điều trị sớm thì cơ hội hồi phục của bệnh nhân rất là tốt…"

Để phòng chống các bệnh do giun sán, ký sinh trùng người dân cần bỏ thói quen ăn thực phẩm tái, sống. Người dân nên duy trì thói quen ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

 

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới là thời điểm mà những cuộc tụ họp, liên hoan, nhậu nhẹt diễn ra thường xuyên. Đây cũng chính là khoảng thời gian người dân tiêu thụ thịt lợn, thực phẩm tái, sống được chế biến từ lợn tăng mạnh. Mọi người dân cần đặc biệt chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh giác trước các bệnh truyền qua thực phẩm để có một cái tết lành mạnh, bình an và hạnh phúc.
                                                                         Nguồn: Sức khỏe đời sống

 
Top