Ngày đăng tin: 10/11/2023 4:04:30 CH
BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Vì bệnh tiến triển âm thầm nên việc nhận biết dấu hiệu bị suy giãn tĩnh mạch có vai trò vô cùng quan trọng để người bệnh đến bệnh viện thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Suy giãn tĩnh mạch là bệnh gì?

Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch sưng phồng, có thể nhìn thấy qua da. Chúng thường có màu xanh, phồng to và ngoằn ngoèo. Nếu không điều trị, suy giãn tĩnh mạch sẽ chuyển biến xấu theo thời gian. Tình trạng này có thể gây đau và mỏi cũng như gây những thay đổi ở da như phát ban, đỏ da, và loét da.

2. Dấu hiệu nhận biết suy giãn tĩnh mạch 

Vì bệnh tiến triển âm thầm nên việc nhận biết dấu hiệu bị suy giãn tĩnh mạch có vai trò vô cùng quan trọng. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng, đôi khi chỉ là cảm giác khó chịu nhẹ và nặng hơn ở chân. Vùng da bị giãn tĩnh mạch có thể ngứa hoặc nóng hơn. Các triệu chứng thường xấu đi vào cuối ngày, đặc biệt khi bệnh nhân phải đứng trong thời gian dài.

Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể thấy chân dễ mỏi chân khi đứng lâu, phù nhẹ nếu ngồi trong thời gian dài, có cảm giác như kim châm hoặc kiến ​​bò trên bắp chân, chuột rút ban đêm ... Dấu hiệu nhận biết suy giãn tĩnh mạch vào thời điểm này đã rõ ràng hơn. Người bệnh có thể nhìn thấy các mạch máu nhỏ như tĩnh mạch xuất hiện trên bề mặt da giống mạng nhện. Các triệu chứng trên có thể biến mất khi người bệnh nghỉ ngơi bởi tình trạng tĩnh mạch không bị giãn nhiều. Chính vì vậy nhiều khi người bệnh ít chú ý, dễ bỏ qua.

Nhìn chung, mọi người khi nhận thấy những dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch sau thì nên đến bệnh viện để kiểm tra:

 - Cảm giác căng tức ở bắp chân, nặng và mỏi chân;

 - Bắp chân bị chuột rút vào ban đêm, cảm giác như kiến ​​bò;

 - Bàn chân sưng, ngứa, đặc biệt là ở vùng mắt cá chân;

 - Bị viêm, gân xanh dọc theo da đùi, mắt cá chân hoặc đầu gối;

 - Da đổi màu, loét hoặc thậm chí nhiễm trùng mô mềm gần mắt cá chân;

Với sự phát triển của y tế, việc chẩn đoán và xác định bệnh suy giãn tĩnh mạch không còn quá khó khăn. Bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng và siêu âm Doppler mạch máu để chẩn đoán căn bệnh này.

3. Giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Hệ thống được áp dụng phân chia theo CAEP, trong đó giai đoạn tiến triển bệnh và mức độ nặng trên lâm sàng được phân thành C1-C6 như sau:

 - C1: Giãn tĩnh mạch mạng nhện hay dạng lưới

 - C2: Giãn tĩnh mạch lớn dưới da >3mm

 - C3: Phù

 - C4: Biến đổi cấu trúc da và mô dưới da (chàm)

 - C5: Loét có thể lành

 - C6: Loét không lành

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý tiến triển âm thầm, vì vậy ngay khi thấy những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám và tiếp nhận điều trị y tế.

                                                                             Nguồn: Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
 
Top