1. Nguyên nhân khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng
Đầy hơi, chướng bụng có thể là kết quả của các quá trình bình thường của cơ thể nhưng nhiều khi cũng do các vấn đề ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Nguyên nhân gây đầy hơi, chướng bụng phần lớn do cách chúng ta ăn uống như: nuốt không khí khi ăn, nuốt nước bọt, do trào ngược acid… Khí cũng có thể phát sinh trong quá trình tiêu hóa một số loại thức ăn hoặc khi thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
Theo ThS.BS. Vũ Tấn Phúc, chuyên khoa Tiêu hoá, có một số loại thực phẩm có thể gây ra chứng đầy hơi, bao gồm các loại rau như atisô, bông cải xanh, súp lơ trắng, tỏi tây, tỏi, hành tây, bắp cải, củ cải; các loại đậu, các sản phẩm từ sữa…
2. Những thực phẩm nên tránh khi bị đầy hơi
Các loại đậu
Các loại đậu rất giàu chất xơ nhưng carbohydrate phức tạp trong đậu được gọi là oligosaccharides, đặc biệt nhất là loại raffinose rất khó tiêu hóa. Những loại đường chuỗi dài này không thể bị phân hủy dễ dàng. Chúng được tiêu hóa bởi các vi sinh vật trong ruột và tạo ra khí mê-tan.
Khi các carbohydrate phức tạp đến ruột dưới, vi khuẩn sẽ ăn chúng và tạo ra khí. Do vậy, ăn nhiều các loại đậu dễ dẫn đến đầy hơi.
Bạn nên ngâm đậu trước khi nấu có thể loại bỏ một lượng raffinose đáng kể mà không làm thay đổi giá trị dinh dưỡng của đậu.
Nấm
Nấm chứa các loại đường khó tiêu, đặc biệt nhất là loại đường mannitol, được tìm thấy ở các loại nấm trắng thông thường. Mannitol được hấp thu kém ở ruột non.
Tuy nhiên, những loại khác như nấm sò (Pleurotus ostreatus) có chứa trehalose, thường chỉ gây ra vấn đề đối với người thiếu một loại enzyme tiêu hóa cụ thể gọi là trehalase. Nếu bị đầy hơi sau khi ăn nấm, có thể thử loại khác như nấm hương có thể sẽ có cải thiện.
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Trong trường hợp không dung nạp lactose, khi ăn các sản phẩm từ sữa có thể gây đầy hơi và chướng bụng. Những người không dung nạp lactose thiếu một loại enzyme gọi là lactase, enzyme cần thiết để phân hủy lactose (một loại đường sữa). Điều này dẫn đến đầy hơi và chướng bụng cùng với các triệu chứng khác như tiêu chảy, buồn nôn và đau bụng.
Đồ uống có gas
Đồ uống có gas và bia có thể gây tích tụ khí trong đường ruột gây đầy hơi sau khi uống.
Chất làm ngọt nhân tạo
Chất làm ngọt nhân tạo là chất thay thế đường thường được sử dụng trong nhiều thực phẩm và đồ uống. Ví dụ như sorbitol và mannitol có trong kẹo, kẹo cao su và thức ăn ngọt không đường. Đây là những loại rượu đường được thêm vào thực phẩm và đồ uống để làm cho chúng ngọt hơn.
Một số người bị tiêu chảy, đầy hơi hoặc cả hai khi họ tiêu thụ những chất này. Nguyên nhân là các loại đường chuỗi dài này cần được phân hủy ở gan để chuyển hóa thành glucose, nguồn năng lượng chính của cơ thể. Nhưng quá trình này rất khó khăn và để lại nhiều đường lên men trong ruột kết. Vì vậy, nếu thường xuyên bị đầy hơi, nên cắt giảm những thực phẩm này.
3. Nên ăn gì khi bị đầy hơi?
Theo BS. Nguyễn Tấn Phúc, trong hầu hết các trường hợp, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng đầy hơi quá mức. Trước hết, nên tránh ăn các loại thực phẩm như đã nói ở trên và thay bằng các thực phẩm chứa carbohydrate dễ tiêu hóa hơn như: chuối, trái cây họ cam quýt, nho, dứa, kiwi, đu đủ, sữa chua, bạc hà, gừng…
Ngoài ra, nên chậm, nhai kỹ. Ăn nhanh khiến mọi người nuốt nhiều không khí hơn dẫn đến đầy hơi. Đảm bảo uống đủ nước cũng giúp tiêu hóa thức ăn trong dạ dày.
Ăn uống theo khẩu vị, phù hợp với khả năng tiêu hóa cũng rất quan trọng. Ăn uống đúng theo khẩu vị sẽ kích thích hệ tiêu hóa tiết ra nhiều loại dịch và men tiêu hóa thức ăn nhanh hơn.
Tránh ăn nhiều đồ nướng, đồ chiên quay, đồ hộp, thức ăn quá nhiều tinh bột hoặc quá nhiều đường… Những thực phẩm này rất dễ gây đầy bụng, khó tiêu.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống