Ngày đăng tin: 31/05/2021 11:16:51 SA
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG THUỐC LÁ 31/5: “HÃY BỎ THUỐC LÁ NGAY HÔM NAY VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU”
Suckhoedoisong.vn - Người hút thuốc lá và người hít phải khói thuốc thụ động đều có nguy cơ cao nhiễm SARS-COV-2 gây đại dịch COVID 19 toàn cầu.

Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc COVID-19

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn đường hô hấp. Người hút thuốc lá có nguy cơ nhiễm virus cúm cao gấp năm lần và có nguy cơ bị viêm phổi cao gấp hai lần so với những người không hút thuốc lá và SARS-COV-2 gây đại dịch COVID-19 toàn cầu cũng không phải ngoại lệ.

Các bằng chứng hiện tại cho thấy SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, nhân lên, phát tán tại đường hô hấp. Virus xâm nhập vào các tế bào qua thụ thể ACE-2 có nhiều trong các mô phế nang tại phổi.

Các nhà khoa học xác nhận rằng protein S được biến đổi của SARS-CoV-2 có ái lực với thụ thể ACE-2 cao hơn từ 10 đến 20 lần so với SARS-CoV-2, dẫn đến sự lây lan nhanh hơn của SARS-CoV-2.

tim phổi của người hút thuốc lá

Thuốc lá tàn phá tim và phổi của bạn.

Khói thuốc lá làm gia tăng biểu hiện của ACE-2 trong các phế bào 2 và đại thực bào phế nang trong phổi.

Người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) có nguy cơ cao mắc COVID-19, làm tăng nguy cơ lây truyền và làm tăng mức độ nặng của nhiễm trùng đường hô hấp.

Khói thuốc làm tê liệt và thậm chí tiêu diệt các vi nhung mao (tế bào lông chuyển) trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc rất nhạy cảm với COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 từ tay lên miệng.

Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: Thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.

Tại Việt Nam đã có báo cáo ghi nhận một số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 lây truyền qua ống điếu cày hút chung, gây lây nhiễm COVID-19.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID- 19

Các nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp đã đưa ra kết luận người hút thuốc lá càng nhiều, tỉ lệ tử vong và nhập viện do COVID -19 càng lớn.

Katherine E. Lowe cùng các cộng sự tại Đại học Case Western Reserve, Ohio, Mỹ, đã tiến hành nghiên cứu so sánh mức độ nặng của COVID -19 trên các nhóm bệnh nhân chưa bao giờ hút thuốc lá, và nhóm hút thuốc lá ở các mức độ khác nhau. Kết quả cho thấy ở nhóm bệnh nhân hút thuốc lá trên 30 bao/năm tỉ lệ nhập viện cao hơn 2,25 lần so với nhóm không hút thuốc lá. Những người nghiện thuốc lá nặng có nguy cơ tử vong cao hơn 1,89 lần sau khi nhiễm COVID 19 so với những người không bao giờ hút thuốc.

Tại Anh, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Nicholas S. Hopkinson Bệnh viện Hoàng Gia Brompton, London, thực hiện khảo sát qua ứng dụng triệu chứng COVID-19 trên hơn 2 triệu người từ tháng 3-4/2020. Kết quả công bố cho thấy nhóm bệnh nhân đang hút thuốc lá có tỉ lệ xuất hiện triệu chứng của COVID- 19 và tỉ lệ nhập viện do COVID-19 cao hơn so với nhóm không hút thuốc lá.

Các nghiên cứu dịch tễ học khác cũng cho thấy, những người hút thuốc khi nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ tiến triển nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy và tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường.

Tại Việt Nam cho tới thời điểm này có 6.908 ca nhiễm và 47 ca tử vong do COVID-19. Những bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong có liên quan các bệnh đồng mắc ở người hút thuốc lá như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, đái tháo đường…

thuốc lá làm hỏng răng

Thuốc lá làm hỏng răng của bạn.

Cai thuốc lá để đảm bảo sức khỏe, an toàn trong đại dịch COVID-19

Cai thuốc lá càng sớm càng tốt, cai thuốc lá ngay hôm nay là một vấn đề rất quan trọng và cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID 19, vấn đề này lại càng cấp bách hơn bao giờ hết.

Đại dịch COVID 19 là một gánh nặng trên mọi mặt đời sống, sức khỏe, kinh tế, xã hội, nhưng ngược lại hãy coi nó như một động lực để thúc đẩy vấn đề cai thuốc lá, bên cạnh các biện pháp y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe toàn dân.
                                                                          Theo: Báo Sức khỏe đời sống

Theo công bố năm 2010 của Tổng hội y sĩ Hoa Kỳ, khói thuốc lá chứa trên 7000 hợp chất hóa học, trong đó có 250 hóa chất độc hại và có ít nhất 69 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xếp sử dụng thuốc lá là yếu tố nguy cơ thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển

Trong thế kỷ 20 trên thế giới đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá (Theo thống kê của WHO). Mỗi năm thuốc lá gây ra gần 6 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành 8 triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.

Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch … Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Theo điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá tại Việt Nam là 47,4%.

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/ năm vào năm 2030. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Gần 28% tổng số ca tử vong ở nam giới từ 35 tuổi trở lên là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc cũng mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Nam giới hút thuốc hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc làm giảm lượng tinh trùng, gây dị dạng tinh trùng, giảm lượng máu dẫn đến dương vật gây liệt dương.

Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa; tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen; giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Theo Tổ chức lao động quốc tế, hàng năm trên thế giới có khoảng 200.000 ca tử vong do phải tiếp xúc thụ động với khỏi thuốc lá tại nơi làm việc.

Lợi ích đối với sức khỏe khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích lũy chất độc, loại từ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.

Sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, xã hội và kinh tế của các quôc gia, nên năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá,  lần lượt các nước trên thế giới cũng đưa ra  những quy định nhằm hạn chế dần người  hút thuốc lá trong cộng đồng. Việt Nam tham gia công ước khung kiểm soát thuốc lá vào năm 2004 và  ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc Hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành  từ ngày 01/5/2013.

Vì một cộng đồng không khói thuốc! Vì sức khỏe của bạn và những người thân yêu! Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay!

Cán bộ nhân viên và mọi người dân hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ và đừng.

- Đừng hút thuốc lá trong nhà, phòng làm việc.

- Đừng hút thuốc lá nơi công cộng.

- Đừng hút thuốc lá trước mặt trẻ em.

- Đừng mời hoặc nhận thuốc lá từ bạn bè, đồng nghiệp.

Và Hãy:

- Hãy giảm hút thuốc lá.

- Hãy cai nghiện thuốc lá.

- Hãy kiên quyết nói không với thuốc lá khi chưa từng hút.

- Hãy để môi trường xung quanh  không khói thuốc lá.

 
Top