Ngày đăng tin: 31/12/2020 4:39:18 CH
Hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm
Suckhoedoisong.vn - Khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường. Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc bệnh mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm

Chiều 30/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 với sự tham dự của các chuyên gia, các cán bộ y tế đang làm công tác điều trị.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm đang ngày một gia tăng và ngày càng trẻ hoá. “Cuộc chiến với các bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cũng chả kém gì cuộc chiến với dịch COVID-19”- Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phố biển trên toàn cầu. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi.

Thế giới hiện có 463 triệu người độ tuổi 20-79 tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2019. Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, tương đương 1 người trong 10 người lớn có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán, chiếm 46,5%, tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52,1%. Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đái tháo đường đang ngày một gia tăng và ngày càng trẻ hoá

Tại Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế, đối với người tuổi từ 20-79, bệnh đái tháo đường sẽ tăng khoảng 78,5% trong giai đoạn 2017 - 2045 (từ 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường năm 2017 tăng lên 6,3 triệu người mắc bệnh đái tháo đường năm 2045). Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm.

Để tăng cường chất lượng và chuẩn hóa công tác chuyên môn chẩn đoán, điều trị đái tháo đường, năm 2017, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường. Tiếp đó, Bộ Y tế đã triển khai cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 theo khuyến cáo cập nhật năm 2020 của Hiệp Hội Đái tháo đường thế giới. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ...

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam cho biết, để kiểm soát đái tháo đường tốt, người bệnh không chỉ sử dụng thuốc men mà cần phải quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Do đó, hướng dẫn mới bổ sung thêm nhiều nội dung về bổ sung dinh dưỡng; Bổ sung phác đồ quản lý bệnh nhân tăng glucose máu ở bệnh nhân nội trú không có biển chứng cấp bao gồm: bệnh nhân mắc bệnh nguy kịch, bệnh nhân nặng không nguy kịch, bệnh nhân sử dụng thuốc hạ glucose huyết không phải insulin, bệnh nhân có dùng glucocorticoid và bệnh nhân chu phẫu.

Hướng dẫn cũng phân mức độ và xử trí hạ đường huyết - một biển chứng cấp tính thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường và là rào cản lớn trong việc kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu; Cập nhật chẩn đoán và điều trị biến chứng cấp tiính của đái tháo đường: nhiễm toan ketone, nhiễm toan lactic và tăng áp lực thẩm thấu; Phòng ngừa và kiểm soát biển chứng mạn tính bao gồm biến chứng vi mạch.

Hướng dẫn sử dụng insulin kiểm soát đái tháo đường trong thời kỳ mang thai giúp phòng tránh các tác động bất lợi của tăng đường huyết đối với mẹ và con trong thai kỳ cũng như trong lâu dài sau khi mẹ sinh con, đồng thời vẫn bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bình thường của thai nhi. Cũng theo hướng dẫn mới này, Bộ Y tế khuyến cáo các bác sĩ theo dõi đường huyết mao mạch chỉ định với bệnh nhân nội trú, ngoại trú, đái tháo đường thai kỳ và đo dường huyết liên tục.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 đề cao tầm quan trọng của việc cá thể hóa điều trị; đưa ra những tư vấn thay đổi lối sống bao gồm luyện tập thể lực và dinh dưỡng; bổ sung phác đồ quản lý bệnh nhân; phòng ngừa và kiểm soát điều trị biến chứng cấp tính…

Cùng với cập nhập Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 năm 2020, Bộ Y tế đã cập nhật công cụ giúp nhân viên y tế tiếp cận các kiến thức mới trong điều trị đái tháo đường. Ứng dụng Diabetes Journey được phê duyệt năm 2019 trên cơ sở các hướng dẫn của Bộ Y tế sẽ giúp các cán bộ y tế cân nhắc, lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho bệnh nhân, trên cơ sở minh bạch và cá thể hóa việc điều trị.
                                                                                       Nguồn: Sức khỏe đời sống

 
Top